Tạm ngừng kinh doanh có phải Quyết toán thuế TNDN, TNCN và có phải nộp Báo cáo tài chính? Có phải Lệ phí môn bài, có phải đóng BHXH?... Bài viết này Kế toán Thiên Ưng xin giải đáp các vướng mắc đó của các bạn.
I. Tạm ngừng kinh doanh có phải nộp thuế môn bài?
Theo khoản 3 điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC ngày 15/11/ 2016 của Bộ tài chính (Được sửa đổi bởi điểm 4 khoản 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC)
“3. Tổ chức, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (thuộc trường hợp không được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh) được thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) khi hết thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp): Trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
Người nộp lệ phí môn bài đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh với điều kiện: văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30 tháng 01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện nêu trên thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm.”
NHƯ VẬY:
- Nếu tạm ngưng kinh doanh cả năm thì Không phải nộp thuế môn bài
- Nếu tạm ngưng kinh doanh không trọn năm thì Phải nộp lệ phí môn bài.
II. Tạm ngừng kinh doanh có nộp hồ sơ quyết toán thuế:
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:
"2. Trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh:
a) Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
b) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính."
Tức là:
- Nếu tạm ngừng kinh doanh tròn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì không phải nộp Hồ sơ quyết toán thuế
- Nếu tạm ngừng Không trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp Hồ sơ quyết toán thuế.
"c) Người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.
d) Người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật quản lý thuế.
3. Người nộp thuế tiếp tục hoạt động, kinh doanh trở lại đúng thời hạn đã đăng ký thì không phải thông báo với cơ quan nơi đã đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định.
Trường hợp người nộp thuế hoạt động, kinh doanh trở lại trước thời hạn thì phải thông báo với cơ quan nơi đã đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh và phải thực hiện đầy đủ các quy định về thuế, nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định.
Đối với người nộp thuế thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thì thực hiện thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tiếp tục hoạt động, kinh doanh trở lại trước thời hạn.
4. Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế không được đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh khi cơ quan thuế đã có Thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký."
-------------------------------------------------------------------------------------------------
Lưu ý khi làm Thủ tục tạm ngừng kinh doanh:
Đối với người nộp thuế là tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Quản lý thuế thì thực hiện thông báo tạm ngừng hoạt động, kinh doanh đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh.
Cơ quan thuế có thông báo xác nhận gửi người nộp thuế về thời gian người nộp thuế đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh chậm nhất trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của người nộp thuế. Người nộp thuế được tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không quá 1 năm đối với 1 lần đăng ký. Trường hợp người nộp thuế là tổ chức, tổng thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không quá 2 năm đối với 2 lần đăng ký liên tiếp.
|
---------------------------------------------------------------------------------------------------
KẾT LUẬN:
1. Nếu tạm ngừng kinh doanh tròn năm dương lịch hoặc năm tài chính (VD từ: 01/01-31/12), không phát sinh nghĩa vụ thuế thì: -> KHÔNG phải kê khai, nộp thuế môn bài, thuế GTGT, TNCN, báo cáo tài chính, tờ khai quyết toán thuế.
Ví dụ 1: ngày 05/12/2024 Công ty Thiên Ưng làm công văn thông báo tạm ngừng kinh doanh kể từ ngày 01/01/2025 – 31/12/2025 (Tức là trọn năm tài chính hoặc dương lịch) thì năm 2025 công ty Thiên Ưng:
- Không phải nộp thuế môn bài năm 2025
- Không phải nộp tờ khai thuế GTGT, TNCN, quyết toán thuế TNDN, TNCN.
- Không phải nộp báo cáo tài chính năm 2025.
Ví dụ 2: Ngày 05/12/2024 công ty A làm công văn thông báo tạm ngừng kinh doanh kể từ ngày 01/01/2025 – 30/07/2025 thì công ty A: phải làm như sau:
- Nộp thuế môn bài cả năm 2025 (Do tạm ngừng không trọn năm dương lịch)
- Nộp các tờ khai từ tháng 8/2025 – 12/2025, báo cáo tài chính và quyết toán thuế cuối năm bình thường.
2. Nếu tạm ngừng kinh doanh không trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính => Thì phải PHẢI nộp Lệ phí môn bài, Báo cáo tài chính, Quyết toán thuế TNDN, TNCN...
Ví dụ 3: Ngày 05/02/2024 công ty A làm công văn thông báo tạm ngừng kinh doanh kể từ ngày 01/03/2024 – 28/02/2025 (Tức là Không trọn năm tài chính hoặc dương lịch) thì công ty A phải nộp như sau:
Năm 2024:
- Nộp thuế môn bài cho cả năm 2024.
- Nộp tờ khai thuế các tháng 1/2024 – 02/2024, Báo cáo tài chính và quyết toán thuế cuối năm.
Năm 2025:
- Nộp thuế môn bài cho cả năm 2025.
- Nộp tờ khai thuế các tháng từ 3/2025 – 12/2025, báo cáo tài chính và quyết toán thuế cuối năm.
-------------------------------------------------------------------------------------
III. Tạm ngừng kinh doanh có phải đóng BHXH:
Theo điều 88 Luật số 58/2014/QH13 Luật BHXH quy định:
"1. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được quy định như sau:
a) Trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng;
b) Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này."
Theo Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định:
"1. Các trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
a) Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;
2. Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
- Người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi có một trong các điều kiện sau:
a) Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên;
3. Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
a) Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo tháng và không quá 12 tháng. Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người sử dụng lao động vẫn đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo Điều 28 và Điều 29 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH
"b) Người sử dụng lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, làm văn bản đề nghị kèm theo danh sách lao động tại thời điểm trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh và tại thời điểm đề nghị; danh sách lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc.
..........
4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Thời điểm tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tính từ tháng người sử dụng lao động có văn bản đề nghị."
Kế toán Thiên Ưng xin chúc các bạn thành công!